Vài quy tắc cần nhớ để vận hành hồ koi dễ dàng hơn
Một hồ cá koi giờ đây không còn xa lạ với nhiều người, tùy vào điều kiện gia đình & ngân sách mà các bạn có thể sở hữu những hồ koi lớn hay 1 hồ nho nhỏ để thỏa sự đam mê với các chú cá Koi. Việc vận hành một hồ koi sẽ trở nên đơn giản hơn khi bạn tuân thủ các điều sau để đảm bảo cho các chú cá luôn khỏe mạnh:
Hồ cá luôn phải có hệ lọc & luồng tốt
- Lọc cho hồ koi tốt là phải đảm bảo cho nước hồ trong, bóng mượt do đó đừng tiếc tiền đầu tư hút mặt (hớt váng) nó sẽ giúp bề mặt hồ lúc nào cũng sạch sẽ, tránh việc bị bọt, bụi bẩn, váng nước, rác lá làm giảm tầm quan sát của bạn.
- Tối thiểu nên có Một hệ lọc đơn giản gồm 3 ngăn lọc với ngăn lắng đủ rộng để thường xuyên vệ sinh, xả thải, đẩy được các phân bẩn, thức ăn thừa,chất thải ra ngoài, tránh việc làm ô nhiễm nước.
- Hệ vi sinh trong hồ koi rất quan trọng, do đó đừng quên xây dựng ngăn chứa giá thể vi sinh (Bùi nhùi - Kaldnes - Bio chip,...) và đừng quên châm vi sinh một cách thường xuyên khi mới setup bể hoặc sau mỗi lần sử dụng thuốc gây chết vi sinh.
- Chất bài tiết của cá được đong đếm bằng lượng NO2-NO3-,NH3/Nh4 có trong nước, tỷ lệ càng nhiều, mức ô nhiễm càng cao, do đó, nếu có điều kiện hãy làm thêm 1 dàn bakki, nó thật sự hữu dụng khi đẩy được gốc N ra khỏi nước, và mùa hè thì cũng góp 1 phần nho nhỏ làm giảm nhiệt trong nước.
- Thing thoảng cùng nên kiểm tra hoạt động của đèn UV, việc rêu tảo có bùng lên hay không đều phụ thuốc vào mấy cây đèn UV cả, do đó, nếu UV không hoạt động cần thay thế ngay nhé.
- Luồng tốt, là luồng nước khỏe đổ ra bể, với bố trí hợp lý, 1 hồ chỉ cần vài luồng với phi ống lớn có thể tốt hơn nhiều so với việc xây dựng nhiều luồng phi ống nhỏ. Luồng khỏe, sẽ kích thích cá bơi lội thường xuyên, năng động & tránh xệ bụng.
Oxy trong nước
Oxy là điều kiện không thể thiếu trong hồ cá, với hồ măt thoáng lớn hoặc hồ có thác nước có thể không cần, nhưng đừng chủ quan, bởi cá bạn nuôi trong hồ sẽ gia tăng về số lượng & trọng lượng, do đó cần đảm bảo lượng oxy lúc nào cũng dồi dào.
- Sục khí luôn cần thiết, Koi cần một mức độ oxy hòa tan trong nước tói thiểu là 6mg/lít, nếu lượng oxy dưới mức này các chú Koi sẽ trở nên căng thẳng (stress), mà căng thẳng cũng là nguồn cơn gây nên nhiều bệnh,nên tốt nhất, đừng làm các bạn Koi căng thẳng.
Hàm lượng oxy thấp, cũng sẽ khiến cá giảm hoạt động, không bơi nhiều, lười ăn, điều đó lâu dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tăng trưởng và sinh sản.
Oxy hòa tan trong nước lạnh sẽ dồi dào hơn trong nước ấm, do đó vào mùa hè cần cải thiện lượng oxy hơn nữa.
- Khi oxy bị thiếu hụt, ví dụ mất điện hoặc máy móc bị hỏng hóc thì sục khí sẽ ngừng, thác nước/dàn bakki cũng vậy, thì chúng ta sẽ thấy chúng nhao lên mặt nước đớp không khí, nếu không cấp cứu ngay, việc chết hàng loạt sẽ xảy ra, do đó, nên dự phòng 1 máy sủi tích điện hoặc sục acquy để sử dụng khi cần thiết.
Sau một quá trình nuôi, các chú Koi sẽ lớn lên dần, chưa kể chúng ta sẽ gia tăng số lượng trong đàn, nhưng nên có điểm dừng, bởi hồ cá không thể phình to ra, chúng ta có thể tăng sục khí, nhưng đó chưa chắc là phương án tốt, để đảm bảo sự phát triển của cả đàn, do vậy bạn có thể giảm số lượng nuôi, nếu thấy cần thiết.
Có cá mới
Thật tuyệt khi chúng ta sở hữu nhiều chú Koi có phẩm chất tốt, và khỏe mạnh, tuyệt hơn nữa chúng ta sắp đón vài em Koi mới nữa về nhà. Các em mới có thể là từ một nguồn tốt, chúng ta biết điều đó. Nhưng đừng quên dưỡng cách ly trước khi thả vào đàn cũ nhé, ít nhất thì nguồn nước 2 nơi đang khác nhau, chưa kể chúng ta chưa kiểm chứng được sức khỏe, thổ nhưỡng, khí hậu có ảnh hưởng không, do đó hãy luôn sẵn sàng 1 tank dưỡng cá vài hôm, để xác định các em nó đủ điều kiện nhập đàn mới.
Lưu ý: tank dưỡng cũng cần trang bị lưới che chắn, hệ lọc / sủi khí đầy đủ nhé. Hãy tắm thuốc tím nếu bạn thấy cần thiết.
Bàn về chuyện ăn uống
Thú vui là ngắm cá và cho cá ăn, ai cũng phải công nhận, nhưng để tránh gặp rắc rối, cũng cần tuân theo vài lưu ý sau nhé.
- Nóng quá hoặc lạnh quá thì hệ tiêu hóa của Koi cũng sẽ hoạt động không hiệu quả, nên lựa chọn thời điểm cho ăn & lượng thức ăn vừa phải để tránh việc mấy em bị sình bụng, bị tiêu hóa nhé. Không cho ăn đêm là lưu ý quan trọng để cá luôn khỏe, body tốt. Không cho ăn giữa trưa nắng nóng, còn khi mùa đông đến thì nên giảm ăn.
Quan tâm & Quan sát
Hàng ngày ngắm nhìn, sẽ giúp chúng ta nhận biết được tình trạng sức khỏe của mấy em Koi, khi thấy có một vài dấu hiệu lạ, ví dụ ngáp mặt nước, tập trung chỗ nước chảy xuống, hay việc cà mình vào thành bể, biếng ăn, khép vây, nằm đáy nên quan sát kỹ hơn để bắt bệnh cho chuẩn, nên xin tư vấn từ những người nuôi cá chuyên nghiệp để có các phương án xử lý hữu hiệu.
Khi bị bệnh bạn sẽ thấy tank dưỡng cá rất quan trọng, để cách ly bệnh nhân khỏi đàn cho điều trị kịp thời sẽ tránh được nhiều thiệt hại.
Muối và thuốc tím được khuyên dùng để ngừa bệnh, do đó thing thoảng bạn có thể cho vào hồ theo tỷ lệ khuyến cáo để sát trùng, diệt khuẩn. Khi phát sinh bệnh hãy bình tĩnh nhận định & cho thuốc, đừng đánh quá nhiều loại thuốc, điều đó làm sức đề kháng của mấy em Koi không đỡ nổi.